Dị ứng thời tiết là một căn bệnh dị ứng có thể xảy ra với bất kỳ người nào không phân biệt tuổi tác hay giới tính và thường có những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người bệnh. Hơn nữa, căn bệnh này có thể tái phát thường xuyên mỗi khi có sự thay đổi thời tiết. Vậy dị ứng thời tiết là gì? Triệu chứng và cách chữa trị như thế nào là hiệu quả nhất? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé.
Nội dung
Dị ứng thời tiết là gì?
Dị ứng thời tiết là một căn bệnh dị ứng thường xảy ra với những người có sức khỏe yếu hay nhạy cảm. Dị ứng thời tiết không chỉ xuất hiện vào mùa lạnh mà có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào, ngay cả trong mùa nóng.
Vào những ngày hè, cơ thể chúng ta tiết ra nhiều mồ hôi khiến cho làn da luôn trong tình trạng ẩm ướt, dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao cũng dễ gây ảnh hưởng đến cơ thể, khiến cho bệnh dị ứng thời tiết càng nặng hơn.
Còn vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, không khí hanh khô khiến cho da của những người mẫn cảm trở nên khô và hiện tượng dị ứng thời tiết lạnh bắt đầu xuất hiện. Ngay cả những ngày gặp mưa gió thì một số người vẫn có thể bị dị ứng thời tiết do cơ địa mẫn đỏ, ứ đọng độc tố hoặc do các bệnh lý khác.
Biểu hiện của dị ứng thời tiết
Những biểu hiện của dị ứng thời tiết bao gồm:
- Da nổi phát ban với các mẩn đỏ và ngứa khi tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ nóng hoặc lạnh, đặc biệt là các vùng da như bàn tay, chân, mặt. Đó là những nơi dễ bị nổi mẩn nhất. Đồng thời, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu
- Da bị sưng rộp hay tấy đỏ
- Các nốt dị ứng thường mẩn đỏ và có xuất hiện vảy ở đầu. Mẩn đỏ thường mọc ở khu vực mặt, đầu gối và khuỷu tay
- Nổi mề đay cấp tính là triệu chứng rất nguy hiểm khiến cho người bệnh cảm thấy khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột, dị ứng trên khắp cơ thể
Nguyên nhân dị ứng thời tiết
Nguyên nhân gây ra hiện tượng dị ứng thời tiết là do khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi giao mùa, trời chuyển lạnh, độ ẩm cao khiến cho da giảm tiết mồ hôi và chất bã nhờn, chất sừng của da bị mất nước, da trở nên khô hơn, đóng ít vảy. Ảnh hưởng này khiến cho các protein trong cơ thể biến chất trở thành chất đối nghịch với cơ thể làm cơ thể phản ứng với các tình trạng như ngứa, nổi mẩn, sẩn, mề đay.
Cách chữa trị dị ứng thời tiết
Tùy vào mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng các loại thuốc khác nhau:
- Thuốc kháng histamine như cetirizine, loratadin
- Nếu thuốc kháng histamine không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với thuốc kháng thụ thể H2 (cimetidine) hoặc dùng doxepin trong những trường hợp mề đay nặng gây lo lắng và trầm cảm
- Prednisolone được chỉ định điều trị trong hội chứng phù mạch, mề đay, tăng bạch cầu ái toan
- Corticoide được dùng để điều trị phòng ngừa các phản ứng kéo dài liên tục
Dị ứng thời tiết bao lâu thì khỏi?
Bệnh dị ứng thời tiết có liên quan đến yếu tố cơ địa của từng người nên chỉ có thể điều trị khỏi từng đợt chứ không thể chữa khỏi vĩnh viễn.
Đối với một số bệnh nhân, khi thời tiết ấm lên, cơn ngứa cũng sẽ chấm dứt. Một số bệnh nhân bị dị ứng có thể dùng nước ấm chườm hoặc tắm với nước nóng ấm để giảm tình trạng ngứa.
Người có cơ địa dị ứng thì nên chuẩn bị sẵn thuốc dị ứng, nhất là ở thời điểm giao mùa. Khi bị dị ứng, tốt nhất hãy đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Dị ứng thời tiết có được tắm không?
Trong dân gian, nhiều quan niệm cho rằng đối với những bệnh nhân bị dị ứng thời tiết cần kiêng nước để tránh triệu chứng nặng hơn. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Qua phương pháp điều trị y học hiện nay cho thấy, việc tắm sẽ không ảnh hưởng nhièu đến người bệnh.
Như vậy, trong lúc bị dị ứng thời tiết, bệnh nhân vẫn có thể tắm được. Việc tắm đúng cách không chỉ giúp cơ thể người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, mà còn giúp giảm ngứa, chống viêm vùng bệnh một cách tốt nhất.
Dị ứng thời tiết kiêng gì?
Để giúp cho quá trình điều trị bệnh dị ứng thời tiết được nhanh chóng và hiệu quả nhất, bệnh nhân cũng nên kiêng một số điều sau:
- Kiêng ăn một số loại hạt và trái cây tươi: táo, kiwi, hạt hạnh nhân, hạt phỉ,…
- Kiêng ăn một số loại hải sản, thức ăn giàu đạm: trứng, bơ, sữa,…
- Tránh để da tiếp xúc với gió lạnh
- Không mặc quần áo quá chật chội để tránh gây cọ xát mạnh vào vùng da bị bệnh
- Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên bên ngoài, che kín cơ thể khi ra đường, đeo khẩu trang và dùng nón bảo hiểm có kính che phía trước,…
- Đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp
Dị ứng thời tiết có lây không?
Câu trả lời là dị ứng thời tiết không lây bởi nó thường xảy ra do cơ địa của từng người, những người có cơ địa nhạy cảm mang yếu tố di truyền từ những người thế hệ trước truyền lại cho người sau qua gen. Do đó, những người có cả bố lẫn mẹ đều bị dị ứng thời tiết thì nguy cơ con sinh ra mắc phải dị ứng thời tiết cao hơn so với những người bình thường.
Như vậy, trên đây là những thông tin cơ bản về căn bệnh dị ứng thời tiết mà nhiều người đang mắc phải. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn đọc. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi! Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!