Cefixim là thuốc gì? Liều dùng và tác dụng phụ của thuốc

4.7/5 - (3 bình chọn)

Cefixim là một loại thuốc kháng sinh đầu tiên trong nhóm thuốc Cephalosporin thuộc thế hệ thứ III. Loại thuốc này có tác dụng trong việc điều trị một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn gây ra.  Tuy nhiên, Cefixim có thể gây ra phản ứng phụ dẫn đến tử vong. Vậy Cefixim là thuốc gì? Liều dùng thuốc Cefixim như thế nào là an toàn và hiệu quả? Tác dụng phụ của thuốc như thế nào?… Mọi thắc mắc về loại thuốc này sẽ được chúng tôi giải đáp ngay trong bài viết này. Mời các bạn cùng theo dõi nhé!

Cefixim là thuốc gì?

Cefixim là một loại kháng sinh thế hệ mới, phổ rộng, được chỉ định dùng để điều trị các chứng bệnh do vi khuẩn gây ra. Nhất là có tác dụng điều trị các bệnh mà vi khuẩn đã kháng lại ampixillin, amoxicillin và cả các kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ I, thứ II. Cefixim không có hiệu quả với các bệnh do virus (bệnh cúm, sốt siêu vi, tay chân miệng,…).

Thuốc kháng sinh Cefixim chỉ dùng duy nhất đường uống, được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén bao phim, thuốc bột, bột pha hỗn dịch uống. Cefixim không được khuyến cáo sử dụng rộng rãi. Vì nếu lạm dụng loại thuốc này sẽ gây ra nhiều rắc rối cho hệ tiêu hóa cũng như làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

Cefixim có tác dụng gì?

Cefixim được sử dụng để điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác nhau. Đây là một kháng sinh nhóm cephalosporin, hoạt động bằng cách ngăn chặn vi khuẩn phát triển.

Kháng sinh Cefixim được dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và không có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do virus. Việc sử dụng không cần thiết hoặc lạm dụng bất kỳ loại kháng sinh nào có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Chỉ định của thuốc Cefixim

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng do các chủng nhạy cảm E.coli hoặc Proteus mirabilis và một số giới hạn trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng do các trực khuẩn gram – âm khác như citrobacter spp, Enterobacter – spp… Klebsiella spp, Proteus spp…
  • Một số trường hợp viêm thận – bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng do các Enterobacteriaceae nhạy cảm nhưng kết quả điều trị kém hơn so với các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng
  • Viêm tai giữa do Haemophilus influenza, Moraxella cartarrhalis, Streptococcus pyogenes
  • Viêm họng và amidan do Streptococcus pyogenes
  • Viêm phế quản cấp và mãn tính do Streptococcus pneumonia, hoặc Haemophilus influenzae, hoặc Moraxella catarrhalis
  • Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng thể nhẹ và vừa
  • Thuốc còn được dùng để điều trị bệnh lậu chưa có biến chứng do Neisseria gomorrhoeae (kể cả các chủng tiết beta – lactamase), bệnh thương hàn, bệnh lỵ do Shigella nhạy cảm (kể cả các chủng kháng ampicillin)

Chống chỉ định dùng thuốc Cefixim

Thuốc Cefixim chống chỉ định đối với những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với Cefixim hoặc với các kháng sinh nhóm cephalosporin khác, người có tiền sử sốc phản vệ do penicillin.

Liều dùng của thuốc Cefixim

Liều dùng cho người lớn

  • Bị nhiễm trùng đường tiết niệu: nhiễm trùng không biến chứng: bạn uống 400 mg, uống 1 lần mỗi ngày hoặc uống 200 mg sau mỗi 12 giờ
  • Bị viêm tai giữa: hỗn dịch thuốc uống, thuốc viên nhai: bạn uống 400 mg một lần mỗi ngày hoặc uống 200 mg sau mỗi 12 giờ
  • Bị viêm amidan/ viêm họng: bạn uống 400 mg một lần mỗi ngày hoặc uống 200 mg sau mỗi 12 giờ
  • Bị viêm phế quản: bùng phát cơn viêm phế quản cấp: bạn uống 400 mg một lần mỗi ngày hoặc uống 200 mg sau mỗi 12 giờ
  • Bị nhiễm khuẩn lậu – không biến chứng: chứng nhiễm trùng không biến chứng ở cổ tử cung, niệu đạo, trực tràng: bạn uống một liều 400 mg

Liều dùng cho trẻ em

Liều dùng cho trẻ em bị viêm tai giữa với hỗn dịch thuốc uống, thuốc viên nhai

  • Từ 6 tháng tuổi – 12 tuổi (cân nặng 45kg hoặc nhẹ hơn 45 kg): bạn cho trẻ uống 8 mg/kg một lần mỗi ngày hoặc uống 4 mg/kg sau mỗi 12 giờ
  • Trẻ em cân nặng trên 45 kg hoặc lớn hơn 12 tuổi: bạn cho trẻ uống 400 mg một lần mỗi ngày hoặc uống 200 mg sau mỗi 12 giờ

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng, viêm amidan/ viêm họng, bùng phát cơn viêm phế quản cấp:

  • Trẻ từ 6 tháng tuổi – 12 tuổi (cân nặng từ 45 kg trở xuống): bạn cho trẻ uống 8 mg/kg, uống 1 lần mỗi ngày hoặc uống 4 mg/kg sau mỗi 12 giờ
  • Trẻ em cân nặng trên 45 kg hoặc lớn hơn 12 tuổi: bạn cho trẻ uống 400 mg một lần mỗi ngày hoặc uống 200 mg sau mỗi 12 giờ

Thuốc Cefixim có dùng được cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú hay không?

Hiện nay, vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc Cefixim trong thời gian đang mang thai hoặc đang cho con bú. Mặc dù vậy, nếu có ý định dùng thuốc Cefixim cho 2 đối tượng này, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé nhé.

Tác dụng phụ của thuốc Cefixim

Trong quá trình sử dụng thuốc Cefixim, nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng như: phát ban, khó thở, sưng phù ở mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng. Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu này ở người sử dụng thuốc Cefixim nhé.

Nếu bạn mắc bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào dưới đây, hãy gọi cho bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt nhé:

  • Tiêu chảy nước hoặc có máu
  • Sốt, đau họng và đau khớp kèm theo chứng rộp da nặng, lột da và phát ban đỏ ở da
  • Tê cóng hoặc cảm giác ngứa ran
  • Ấm người, nổi mẩn đỏ hoặc ngứa ran ở dưới da
  • Sưng phù ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Nhịp tim nhanh và đập mạnh
  • Đau ngực, thở hụt hơi

Ngoài ra, người dùng thuốc Cefixim có thể gặp phải những tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Buồn nôn, đau bụng, táo bón, chán ăn
  • Lo lắng, buồn ngủ
  • Đi tiểu vào ban đêm nhiều hơn
  • Đau đầu
  • Sổ mũi, đau họng, ho
  • Ngứa hoặc tiết dịch ở âm đạo

Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai khi dùng thuốc cũng gặp phải các tác dụng phụ kể trên. Có thể xuất hiện các tác dụng phụ khác không được đề cập. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn muốn biết rõ hơn về tác dụng phụ của thuốc Cefixim này nhé.

Như vậy, trên đây là những thông tin về thuốc Cefixim mà chúng tôi đã chia sẻ để bạn đọc tham khảo. Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc hay tăng liều, giảm liều khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi! Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!